Vai trò quản lý nhà nước cấp Huyện, gồm cả Cấp ủy đảng, Ủy ban nhân dân, các cơ quan, và đơn vị có liên quan tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở nên đặc biệt quan trọng; nó quyết định đến việc xuất khẩu nông sản không chỉ tại chính địa phương đó mà còn trên địa bàn cả nước. Vai trò này trước đây chưa được thể hiện rõ nét.
Địa phương với Chương trình tăng tốc xuất khẩu nông sản
Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế và trong nước rất gay gắt hiện nay, việc xuất khẩu nông sản mà cụ thể là nông sản tươi như rau, củ, quả, và hạt đứng trước nhiều khó khăn và thách thức; nhưng rất nhiều cơ hội xuất khẩu được mở ra khi làm rõ mối quan hệ giữa vai trò quản lý nhà nước cấp Huyện cùng người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương. Mối quan hệ chặt chẽ trong cùng một chương trình thúc đẩy xuất khẩu nông sản toàn diện. Ở đây Huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước là một ví dụ khởi đầu cho một mô hình thích ứng như vậy.
Trước năm 2022, xuất khẩu nông sản cơ bản phụ thuộc vào sự chủ động của người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương; từ các khâu trồng trọt, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Từ ngày 01/01/2022, một loạt các điều chỉnh từ nhiều thị trường nhập khẩu quốc tế mà nổi bật là Chính sách nhập khẩu của Trung Quốc đã đòi hỏi tới mức độ chi tiết mà quản lý nhà nước cấp Huyện có liên quan đặc biệt như sau:
Địa phương phải có quy hoạch vùng trồng nhất quán và có phương án quy hoạch đảm bảo cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương có thể đăng ký mã vùng trồng (PUC) với từng quốc gia nhập khẩu một hoặc một vài loại cây trồng có thể kết hợp được với nhau. Mã vùng trồng quy định chi tiết tới loại cây trồng, ranh giới trồng, nước đích xuất khẩu; diện tích tối đa mỗi PUC không quá 12 ha nhưng không giới hạn số lượng PUC. Việc duy trì các PUC sẽ phải trả phí bởi bên đăng ký; quốc gia nhập khẩu có quyền giám sát PUC và đề nghị Bộ NN&PTNT Việt Nam và chính quyền địa phương giám sát PUC theo các cam kết mở cửa thị trường và tuân thủ kiểm soát nông nghiệp có liên quan. Địa phương thiếu quy hoạch vùng trồng, không có kế hoạch hành động cụ thể để phát triển nông sản xuất khẩu sẽ được xem là không đảm bảo bền vững nguồn cung nông sản xuất khẩu. Bởi vậy, mọi nỗ lực xuất khẩu của người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương sau đó rất khó thuyết phục nhà nhập khẩu và chính quốc gia nhập khẩu mục tiêu về khả năng cung ứng nông sản bền vững, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và khả năng phát triển mở rộng.
Chính quyền địa phương thiếu năng lực giám sát, hỗ trợ PUC theo quy định mà Bộ NN&PTNT Việt Nam đã cam kết với mỗi quốc gia nhập khẩu có thể làm cho PUC rơi vào tình trạng không tuân thủ tiêu chuẩn nhập khẩu đã được quy định, hoặc tuân thủ nhưng rất tốn kém chi phí làm cho sản phẩm khó có khả năng cạnh tranh. Hiện nay, một vài PUC không tuân thủ có thể làm cho cả một vùng trồng lớn của một địa phương có thể mất cơ hội xuất khẩu.
Địa phương có thể quan tâm phát triển PUC nhưng thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương phát triển nông nghiệp xuất khẩu thì sản phẩm cuối cùng sẽ khó cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực đang hỗ trợ mạnh mẽ cho nông sản cùng loại phục vụ xuất khẩu. Các PUC được bố trí quy hoạch phân tán, rời rạc sẽ rất khó khăn duy trì tình trạng tuân thủ do khả năng nhiễm chéo; đồng thời rất tốn kém để đạt được các tiêu chuẩn xuất khẩu cao như GAP, Organic, lợi ích kinh tế theo quy mô,…
Người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương chủ động phát triển PUC và nông sản xuất khẩu nhưng địa phương thiếu chủ động lồng ghép nỗ lực của họ với các chương trình phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội, xây dựng thương hiệu địa phương, chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu tập thể,… thì người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương rất khó xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm xuất khẩu gắn với các tiêu chuẩn bền vững, phúc lợi xã hội đối với cộng đồng.
Một chương trình thúc đẩy xuất khẩu nông sản toàn diện và hiệu quả sẽ phải bắt đầu từ nhu cầu chủ động của chính địa phương đó, khả năng linh hoạt, sáng tạo của chính lãnh đạo địa phương để truyền cảm hứng và sự tin cậy cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương cũng như nhà nhập khẩu tiềm năng; như vậy mới đem lại hiệu quả cho những chương trình thúc đẩy xuất khẩu nông sản toàn diện cấp Tỉnh.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông sản xuất khẩu của địa phương và cơ hội phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của địa phương trong việc thúc đẩy nỗ lực xuất khẩu nông sản thì Huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước là một ví dụ khởi đầu cho một mô hình thích ứng như vậy thông qua Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 26/01/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ Huyện ủy Bù Gia Mập về đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2020–2025 và Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 23/7/2021 của UBND huyện Bù Gia Mập về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 26/01/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ Huyện.
Sở Công Thương tỉnh Bình Phước sẽ liên tục cập nhật, bổ sung làm rõ vai trò quản lý nhà nước cấp Huyện nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhập khẩu nông sản của các thị trường nhập khẩu và khách hàng nhập khẩu mục tiêu dành riêng cho nông sản cụ thể của mỗi huyện, thị xã, thành phố thuộc Tỉnh./.