Với định hướng thúc đẩy xuất khẩu nông sản và các sản phẩm chế biến sâu của tỉnh, Bình Phước đã hình thành một loạt các nhóm giải pháp và nhiệm vụ. Theo đó, thúc đẩy công tác quy hoạch cho vùng trồng, khu vực chế biến tập trung, trung tâm Logistics; thu hút đầu tư trong và ngoài nước; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phần cứng và phần mềm; xây dựng các thương hiệu địa phương, sản phẩm và doanh nghiệp nhằm tăng tốc xuất khẩu trong tình hình mới. Nhiều ưu tiên đã được tỉnh đặt ra và nhiều bước đi đã được các ngành và địa phương thực hiện; trong đó tìm hướng đi vững chắc cho Thị trường nông sản sẵn có của địa phương gắn với kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, tiện ích Logistics phục vụ mục tiêu xuất khẩu được Sở Công Thương tỉnh Bình Phước đặc biệt chú trọng. Thị trường cấp đông nông sản của tỉnh đang được xem là công cụ giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và các địa phương có thể mở cửa thị trường trong và ngoài nước. Trong khi bản thân cấu trúc xuất khẩu của tỉnh đang tự điều chỉnh để thích nghi với yêu cầu mới và hình thành liên kết vùng, đến lượt nó lại hấp dẫn hơn các nhà đầu tư đầu tư vào thị trường cấp đông này.
Bình Phước với Chương trình tăng tốc xuất khẩu nông sản
Rổ hàng hóa nông sản và các sản phẩm chế biến sâu của tỉnh đang mở rộng về quy mô (số lượng mặt hàng và sản lượng sản xuất, chế biến xuất khẩu) cũng như chiều sâu trình độ công nghệ. Trong bối cảnh các tỉnh lân cận và vùng phía Nam đồng loạt thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất đã dần hình thành nên hàng chục nông sản mang đặc trưng của vùng và trải đều ở các tỉnh. Sự cạnh tranh gay gắt do điều kiện bảo quản sản phẩm và chi phí sản xuất tăng cao làm cho trung ương và nhiều tỉnh đứng trước áp lực phải giải quyết các khó khăn, thách thức mà đòi hỏi phải liên kết vùng.
Các quốc gia nhập khẩu tiềm năng đang thắt chặt kiểm soát nhập khẩu, đặc biệt đối với hàng hóa đòi hỏi an toàn, vệ sinh thực phẩm cao. Để giảm rủi ro từ việc nhập khẩu nông sản, thực phẩm thì việc phân tán nguồn cung từ các nước trong đó có Việt Nam đã được tính tới làm cho thị trường nông sản trở nên phẳng hơn như nghĩa được dùng đối với thế giới phẳng.
Bởi vậy từ chỗ cơ hội bị giới hạn thì nhiều cơ hội đã được mở ra, từ chỗ Bình Phước phải cạnh tranh với các nguồn cung lớn khác thì nguồn cung lớn dần cũng đang phù hợp với nhiều quốc gia và nhà nhập khẩu nước ngoài; từ chỗ khó khăn để tìm kiếm tiếng nói liên kết vùng thì vai trò rất lớn của liên kết vùng đã được thể hiện rõ nét; từ chỗ đứt gẫy và mất cân đối trong các chuỗi giá trị xuất khẩu thì nhiều nông sản của Bình Phước (như hạt điều, sầu riêng,...) trở lại với vị trí quan trọng của chuỗi giá trị xuất khẩu quốc tế; từ chỗ các mặt hàng nông sản phải bươn trải bằng mọi cách để duy trì hiệu quả thì đã có hướng đi chung theo rổ hàng hóa nhất định để phù hợp với mỗi thị trường mục tiêu.
Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU và một số thị trường mục tiêu khác tạo cơ hội cho nông sản tươi mà Bình Phước có thể có sẵn giờ tạo thêm cho nông sản cấp đông, chế biến sâu có thêm cơ hội xuất khẩu; các thị trường này cũng mở cửa cho Bình Phước tiếp cận công nghệ hiện đạt phục vụ cho bảo quản và chế biến sâu. Vai trò của Chính quyền địa phương đến cấp xã cũng đã rõ nét hơn khi tham gia vào thị trường nông sản xuất khẩu ở công tác quy hoạch, phân bổ nguồn lực, chính quyền số và hỗ trợ mở cửa thị trường nông sản.
Chỉ trong một thời gian ngắn, cấu trúc xuất khẩu của tỉnh đã thay đổi theo hướng tích cực từ ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ và năng lực nội tại của các doanh nghiệp. Các dòng vốn đầu tư mới trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào tỉnh, tìm kiếm các cơ hội lớn từ vùng trồng, quy mô sản xuất liên kết vùng, khai thác tối đa giá trị thương mại từ cây trồng trên địa bàn tỉnh, nhiều sản phẩm có khả năng đóng góp cao vào phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường mà cụ thể là đóng góp cao của ngành Chế biến hạt điều sắp tới trong COP26 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Các nhân tố mới này quyết định đến việc tăng tốc của ngành Điều Bình Phước, ngành Chế biến các sản phẩm gỗ và Chế biến thực phẩm từ nông sản và chăn nuôi.
Cơ sở hạ tầng, tiện ích Logistics phục vụ mục tiêu xuất khẩu sẽ đến trước một bước mà cụ thể là thị trường cấp đông nông sản giúp Bình Phước đạt được các mục tiêu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã đề ra trong tháng 6 năm 2022.
Sở Công Thương tỉnh Bình Phước sẽ liên tục cập nhật thị trường nông sản xuất khẩu của tỉnh Bình Phước và cơ hội xuất khẩu vào từng thị trường mục tiêu; kết nối giữa các nhà nhập khẩu các nước với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để có phương án phát triển thị trường nông sản cho từng loại một cách nhanh nhất và hiệu quả trong tình hình mới hiện nay./.
Tham khảo: https://www.socongthuongbp.gov.vn/home/tin-tuc-nganh/thi-truong-cap-dong-nong-san-binh-phuoc-co-hoi-tu-cau-truc-xuat-khau-moi-876.html