Thị trường CẤP ĐÔNG NÔNG SẢN của BÌNH PHƯỚC mở cửa Phát triển LOGISTICS ở tỉnh

Chủ nhật - 04/09/2022 14:48 3.069 0
Khu vực kinh tế tư nhân ở Bình Phước nhìn nhận vai trò của hệ thống mạng lưới Logistics trên địa bàn tỉnh hiện nay ở vị trí rất quan trọng, tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ở góc nhìn của doanh nghiệp, đầu tư phát triển Logistics trên địa bàn tỉnh là cơ hội lớn đến từ sự liên kết vùng và khởi đầu từ Thị trường cấp đông nông sản.
Mục tiêu của Sở Công Thương tỉnh Bình Phước trong tình hình mới
Mục tiêu của Sở Công Thương tỉnh Bình Phước trong tình hình mới

Theo kết quả sơ bộ khảo sát của Nhóm nghiên cứu, Viện Thương mại & Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho Đề tài “Nghiên cứu đánh giá các điều kiện và đề xuất giải pháp phát triển hệ thống Logistics trên địa bàn tỉnh Bình Phước” thực hiện đầu năm 2022 tại Bình Phước với tổng số 82 doanh nghiệp đã có phản hồi.

Số doanh nghiệp trả lời bản câu hỏi hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí quá một nửa là doanh nghiệp siêu nhỏ (có ít hơn 10 lao động) thừa nhận hiểu biết về Logistics ở mức trung bình khá trở xuống. Các doanh nghiệp nhìn nhận Logistics ở các mặt hoạt động dịch vụ vận tải hàng hóa, phân phối hàng hóa, giao nhận, thực hiện thủ tục hải quan, kinh doanh kho bãi, hỗ trợ thương mại điện tử,…

Nhà nước sớm có quy hoạch phát triển Logistics cho toàn vùng gắn với quốc gia và quốc tế trong đó có Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với các trung tâm Logistics theo nhiều loại hình khác nhau. Thông qua Bản câu hỏi thì hầu hết mong đợi sự liên kết kinh tế giữa Bình Phước với các tỉnh vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên để hút được nguồn lực đủ lớn đầu tư phát triển mạng lưới Logistics hiệu quả cho toàn vùng. Các doanh nghiệp cơ bản nhìn nhận Trung ương và các địa phương như Bình Phước phải có chiến lược cho sự phát triển Logistics, chọn mô phù hợp theo giai đoạn để thực hiện, có chính sách tốt cho việc huy động nguồn lực, chuẩn bị mặt bằng sẵn có, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng bổ trợ, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, số hóa ngành dịch vụ, hỗ trợ tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, hình thành liên kết chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu,… Về quy mô phát triển các trung tâm Logistics, các doanh nghiệp đều mong đợi quy mô không quá 200 ha mỗi trung tâm, xoay quanh các trục Quốc lộ 13, 14 và ĐT741 để phục vụ phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung tại Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư,...

Nhóm này nhận thấy sự phát triển các dịch vụ Logistics ở Bình Phước và các vùng lân cận ở mức trung bình thấp (về quy mô dịch vụ, phạm vi hoạt động, hiệu quả vận hành, uy tín thương hiệu, ứng dụng công nghệ, trình độ nguồn nhân lực, khả năng liên kết dịch vụ, chi phí dịch vụ chưa cạnh tranh,… mặc dù có sự đa dạng về dịch vụ cung ứng) nên đã tác động ở mức hạn chế rất nhiều đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Số doanh nghiệp này có thể đại diện cho phần lớn số đông doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh mà được xem là nhóm yếu thế hơn. Bởi vậy nhận thức của nhóm này về Logistics ở Bình Phước như trên đặt ra nhu cầu cấp thiết phải phát triển Logistics ở Bình Phước và các vùng lân cận ở trình độ cạnh tranh cao hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn hoàn toàn kỳ vọng vào vị trí địa lý và các điều kiện tự nhiên của tỉnh, sự sẵn có nguồn lực đất đai và lao động, khả năng huy động các nguồn đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt cơ hội khai thác hiệu quả kinh tế biên mậu qua Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư và toàn tuyến đường biên giới với Campuchia cùng với nỗ lực của tỉnh và cộng đồng các nhà đầu tư sẽ thỏa mãn được nhu cầu cấp thiết này.

Ở góc độ nhà đầu tư trong lĩnh vực Logistics, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Logistics trên địa bàn tỉnh sẽ mong đợi sự chuẩn bị sẵn sàng của địa phương về quy hoạch phát triển, sẵn sàng nguồn lực đất đai, đào tạo nguồn nhân lực sẵn có, có chiến lược thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư phát triển Logistics,… Cuối cùng thì đối tượng của dịch vụ Logistics vẫn là nguồn hàng hóa đa chiều, đủ lớn mà các nhà đầu tư kỳ vọng quy mô này có được phải từ sự liên kết các vùng với Bình Phước mới có thể đảm bảo cho sự liên kết sản xuất, chế biến quy mô lớn, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu và nhập khẩu bền vững trong giai đoạn cạnh tranh quốc tế gay gắt hiện nay.Các nước phát triển và đang có cùng mối quan tâm đến thị trường nông, lâm sản xuất khẩu như Bình Phước (Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan,…) xác định thị trường nông, lâm sản từ sản xuất đến phân phối cần sự đổi mới phương thức hoạt động và cần sự đổi mới ở cả lĩnh vực Logistics mới có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng tốc xuất khẩu. Chất lượng nông, lâm sản; sự đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; chi phí sản xuất ra một đơn vị sản phẩm cuối cùng đã thúc đẩy mỗi nhóm sản phẩm phải gắn với một chiến lược cụ thể và có vai trò tham gia từ đầu của hoạt động Logistics. Tiếp theo là một chương trình xuất khẩu chung của mỗi địa phương cấp tỉnh dành cho một loạt các chiến lược riêng của mỗi sản phẩm vừa nêu để tạo nguồn sản lượng và lợi nhuận đủ lớn nhằm hấp dẫn nguồn lực Logistics dành cho sự đổi mới. Các chiến lược riêng của mỗi sản phẩm lại gắn với hàng loạt các vệ tinh ở ngay từng vùng trồng phục vụ cho các trung tâm Logistics, khiến nguồn lực Logistics được duy trì bền vững ngay từ các vệ tinh. Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan,… đã hình thành liên kết vùng, xây dựng chuỗi giá trị xuất khẩu, phát triễn chuỗi lạnh, cấp đông xuyên biên giới,...

Từ thực tế này, khu vực kinh tế tư nhân ở trong và ngoài nước đã nhận ra cơ hội và bắt đầu quay trở lại với Bình Phước. Tỉnh mong muốn các doanh nghiệp bắt đầu bằng việc làm rất thực tế là sẽ làm thủ tục xuất nhập khẩu tại tỉnh (tương ứng với khoảng 1,2 triệu USD hiện nay đang khai báo ngoài tỉnh, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh). Con số này tuy lớn nhưng không quan trọng bằng việc làm giảm đi hiệu quả vận hành của Hải quan địa phương cũng như nhà cung cấp dịch vụ Logistics.

Với mục tiêu phát triển các ngành hàng chế biến nông, lâm sản xuất khẩu quy mô cấp vùng của quốc gia có gắn với khai thác nguồn cung nguyên liệu từ vùng trồng quy mô rất lớn ở nước bạn Campuchia và Lào thì quan điểm lựa chọn các trung tâm Logistics của tỉnh và vùng có thể cần điều chỉnh cho phù hợp với tầm nhìn dài hạn của các nhà đầu tư. Ví dụ trung tâm Logistics có thể tập trung ở dải Đông Bắc của tỉnh để giải quyết cho hàng triệu tấn nông, lâm sản thu hoạch và nhập khẩu mỗi năm cho chế biến sâu xuất khẩu; hoặc thay vì trung tâm Logistics phục vụ nông sản ở Bình Dương và Đắk Nông cũng có thể lựa chọn ở dải Đông Bắc của Bình Phước, trong khi các ICD quy mô hiện tại tiếp tục dành riêng để phục vụ cho chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Quy mô các trung tâm Logistics bởi vậy có thể tăng lên đủ lớn và hiệu quả như các trung tâm Logistics phục vụ nông sản tới hàng ngàn ha ở nước ngoài.

Là một tỉnh nằm trong vành đai thứ hai tính từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước vẫn xác định trọng tâm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với vùng nguyên liệu trù phú từ nông, lâm nghiệp để phát triển. Trước yêu cầu mới của các quốc gia và nhà nhập khẩu đã tạo nền tảng vững chắc cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xác định phải hình thành mối liên kết chuỗi giá trị xuất khẩu từ vùng trồng đến thị trường phân phối rộng rãi ở các châu lục. Quy mô sản xuất, xuất khẩu và năng lực vận hành của khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài trên địa bàn tăng dần, các trung tâm cấp đông, kho lạnh phục vụ nông sản gắn với các vùng trồng sẽ nhanh chóng được hình thành tại từng địa phương, làm vệ tinh cho các trung tâm phân phối cấp đông, kho lạnh cấp vùng trước khi xuất khẩu sẽ chính thức mở lối cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực Logistics một cách bền vững.

Ngày 25/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành một loạt các Kết luận số 360-KL/TU về phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là chế biến hạt điều, gỗ và thực phẩm giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; số 361-KL/TU về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp; số 362-KL/TU về phát triển công nghiệp hỗ trợ; số 363-KL/TU về phát triển công nghiệp công nghệ cao; số 366-KL/TU về phát triển thị trường các sản phẩm chủ yếu; số 367-KL/TU về phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch; số 368-KL/TU về phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật; số 369-KL/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; số 377-KL/TU về thu hút đầu tư tư khu vực kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh trong cùng giai đoạn cùng nhiều chương trình, kế hoạch, dự án, đề án khác đã chính thức mở cơ hội cho khu vực đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực Logistics vững bước đầu tư vào tỉnh.

Sở Công Thương tỉnh Bình Phước liên tục cập nhật về cơ hội của nông sản trên địa bàn tỉnh cấp đông để phục vụ xuất khẩu và nhu cầu của thị trường nông sản cấp đông tại một số quốc gia mục tiêu./.

Tác giả bài viết: Bùi Quang Minh

Nguồn tin: Bùi Quang Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Thống kê
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay620
  • Tháng hiện tại14,826
  • Tổng lượt truy cập5,244,860
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây